Unit 22: Kinh nghiệm làm 5 dạng bài khó nhất IELTS Reading
Đối với phần thi Reading, bạn phải biết cách làm theo từng dạng bài để tranh thủ thời gian, thực hiện đầy đủ các câu hỏi, chọn đáp án đúng. Có nhiều dạng bài khác nhau trong mỗi đề thi trong đó 5 kiểu dạng bài dưới đây là phổ biến. Hôm nay, IELTS Fighter sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm làm 5 dạng bài phổ biến này, hy vọng sẽ giúp bạn đạt được điểm cao hơn nhé!
1. DẠNG HEADING – TÌM TIÊU ĐỀ PHÙ HỢP CHO ĐOẠN VĂN
Có thể với một số bạn thì dạng này khá dễ nhưng thực ra mình lại thấy nó là một trong những dạng khó nhất vì số lượng heading đề bài cho luôn lớn hơn số đoạn văn và một số heading có vẻ khá giống nhau nên chúng ta phải cân nhắc rất kỹ để lựa chọn heading phù hợp.
Bí kíp của mình khi làm dạng này là các bạn đọc qua tất cả các heading, gạch chân các key word để hiểu tóm tắt heading đó nói về cái gì và bạn có thể viết nghĩa tiếng Việt ra bên cạnh để tránh sự nhầm lẫn giữa các heading gần giống nhau. Sau đó đọc các đoạn văn là hình dung ra ý chính xuyên suốt cả đoạn đó rồi sau đó nhìn ngay sang phần heading chọn 1 heading phù hợp. Ở phần này, các bạn hãy rèn cho mình một tư duy tổng hợp, sau khi đọc xong đoạn văn đó thì cái ý bao trùm cả đoạn là gì và điều này sẽ làm cho bạn dễ dàng chọn được tiêu đề phù hợp. Trong trường hợp bạn phân vân giữa 2 heading mà bạn lại thấy cả 2 đều phù hợp với đoạn văn và không biết chọn heading nào thì hãy để ý xem đoạn văn đó nói về cái gì nhiều hơn thì hãy chọn heading mà thể hiện ý của đoạn văn đó nhiều hơn nhé.
2. DẠNG TRUE/ FALSE/ NOT GIVEN
Đây là một trong những dạng bài khó nhất trong phần thi IELTS Reading và mình nhận được khá nhiều những câu hỏi về việc làm sao để làm dạng bài này một cách tốt nhất mà không bị mắc bẫy.
- Đầu tiên, chúng ta cần đọc kỹ và gạch chân những key words quan trọng của các statement và sau đó tóm gọn lại ý chính của statement đó bằng một câu tiếng Việt (hoặc tiếng Anh) bạn có thể viết nhỏ bên cạnh. Đây là kinh nghiệm của mình để giúp mình khi đọc bài text dài mà không bị lẫn thông tin và dễ định hình được mình đang cần tìm thông tin gì cho câu statement nào.
- Sau đó, chúng ta bắt đầu đọc từ đầu bài khóa để tìm và xác định thông tin. Thông thường trong dạng bài này, thông tin sẽ xuất hiện theo như trình tự của các statement cần xác định T/F/NG vì vậy chỉ cần chú ý và tập trung một chút là sẽ không bị bỏ sót thông tin. Khi bạn đã khoanh vùng được vùng thông tin cần thiết để xác định T/F/NG, bạn nên đọc kỹ và hãy thật tỉnh táo để không bị mắc bẫy. Bạn nên đánh dấu vùng thông tin quan trọng này theo cách của riêng mình để dễ đối chiếu sang statement; kể cả khi bạn chưa quyết định được statement đó là T/F/NG và chuyển sang câu khác làm thì lúc quay lại bạn không phải đọc lại cả một đoạn văn dài để tìm thông tin nữa.
Điều cần đặc biệt chú ý là bạn hãy cố gắng hiểu ý chính của statement hoặc nghĩ đến những từ đồng nghĩa – synonyms của những key word trong statement đó để nếu trong đoạn văn có paraphrase theo các cách khác nhau thì bạn cũng sẽ chọn được câu đó là T/F hay là NG. Có một số bạn cố gắng tìm từ giống y hệt trong statement so với trong đoạn văn, điều này là vô ích vì thứ chúng ta cần tìm là “Meaning” – ý nghĩa chứ không phải là tìm “Words” – từ.
- Để xác định được câu đó là T/F/NG bạn cần đối chiếu thông tin chính xác trong bài. Bạn hãy lưu ý các từ như sau “always”, “never”, “little”, “millions”, “thousands”,… vì những từ này chính là những “bẫy” làm cho bạn xác định sai.
- Kể cả khi bài viết viết về một chủ đề bạn yêu thích hoặc đã tìm hiểu rồi thì bạn cũng không nên đoán dựa trên kiến thức của bạn mà HÃY ĐỌC BÀI vì biết đâu có sự bất đồng giữa kiến thức của bạn và thông tin khoa học chính xác.
- Trong trường hợp nếu như bạn đã đọc kỹ bài rồi nhưng không thể quyết định được câu đó là T/F/NG thì hãy ghi là NG cho statement. Tuy nhiên, mình không khuyến khích các bạn làm điều này vì có thể bạn đã đọc kỹ cả bài rồi nhưng chưa paraphrase đúng hoặc chưa hiểu kỹ statement nên quyết định sai. Bạn chỉ nên làm điều này khi mà bạn đã thực sự “vô vọng” với câu trả lời của mình.
3. DẠNG MULTIPLE CHOICE QUESTIONS – CHỌN 1 ĐÁP ÁN ĐÚNG TRONG 4 ĐÁP ÁN CHO CÂU HỎI
Dạng này với cá nhân mình thấy không quá khó nhưng không phải là quá dễ vì rất dễ bị lừa. Với kinh nghiệm của mình, đầu tiên các bạn nên đọc hết các câu hỏi và các đáp án, gạch chân các key word của câu hỏi và đọc các đáp án rồi sau đó bắt đầu đọc từ đầu bài text. Các câu hỏi là manh mối rất quan trọng để bạn biết bạn đang phải tìm thông tin gì, vì vậy hãy ghi nhớ câu hỏi đầu tiên của bài và đến đoạn mà bạn cảm thấy có thông tin cho câu hỏi đầu tiên đó thì hãy đánh dấu nó và đọc kỹ rồi chọn đáp án đúng nhất.
Vì đặc thù của bài đọc IELTS là thông tin sẽ theo trình tự từ trên xuống dưới theo mạch bài text nên hãy chắc chắn bạn nhớ câu hỏi để biết mình cần phải làm gì và mình không bị lỡ mạch bài. Kỹ năng đặc biệt quan trọng ở phần này là kỹ năng "Paraphrase", các bạn cần linh hoạt hiểu ý đoạn quan trọng để trả lời bằng các cách khác nhau, vì vậy hãy thật tỉnh táo paraphrase nhé. Nếu như khoanh vùng được vùng thông tin cần thiết nhưng chưa tìm dc câu trả lời phù hợp thì bạn hãy đánh dấu lại để tránh bị quên và trả lời các câu hỏi khác để tránh tốn quá nhiều thời gian vào một câu hỏi.
4. DẠNG OPINION MATCHING – CHỌN QUAN ĐIỂM PHÙ HỢP VỚI NGƯỜI NÓI
Đây là một dạng mình nhận được rất nhiều inbox hỏi về làm sao để làm thành thục dạng bài này. Đặc điểm dạng bài này là bài text sẽ là tập hợp của các ý kiến, quan điểm và có thể là kết quả nghiên cứu của khá nhiều nhà khoa học (từ 04 người trở lên) về cùng một chủ đề; ở phần câu hỏi thì người đọc được yêu cầu nối chọn những quan điểm, hoặc ý kiến, hoặc kết quả nghiên cứu phù hợp với tác giả của nó. Cái khó của dạng bài này là thông tin thường vụn vặt và thường “ẩn” sâu trong các đoạn văn khiến cho chúng ta phải đọc kỹ và “paraphrase” để xem quan điểm đó là của tác giả nào. Với dạng bài này, chúng ta nên triển khai theo những bước sau:
- Đầu tiên, bạn hãy gạch chân những key word của quan điểm và có thể ghi ra ý chính bằng tiếng Việt bên cạnh để phân biệt với các quan điểm khác. Đọc kỹ và ghi nhớ những quan điểm này trong đầu.
- Sau đó hãy đọc ở phần đoạn văn của từng tác giả một, hãy chú ý thật kỹ khi đọc và cố gắng hiểu thoát ý của từng lời mà tác giả đó nói và hãy nhìn sang luôn bên phần quan điểm, nếu bạn thấy nó trùng ý tưởng với bất cứ ý kiến nào được đưa ra thì hãy chọn luôn đáp án phù hợp.
5. DẠNG GAP FILL – ĐIỀN TỪ VÀO CHỖ TRỐNG
Dạng này theo mình có vẻ như là dạng dễ thở nhất so với các dạng bài ở trên. Kỹ năng quan trọng khi làm dạng này là các bạn đọc lướt thật nhanh để tìm đến đoạn có chứa thông tin cần điền vào đoạn tóm tắt hoặc sơ đồ. Thường là chúng ta sẽ lấy sẵn các từ trong đoạn văn chứ không phải tự nghĩ hoặc chia động từ/cho dạng đúng của từ nên nếu tìm được từ cần điền thì bạn phải ghi vào trong phần answer sheet của mình luôn.
Cách làm tốt dạng bài này là các bạn đã xác định được vùng thông tin cần thiết cho đoạn văn tóm tắt hoặc sơ đồ cần điền từ, bạn hãy vừa đọc bài khóa vừa cầm bút dò theo hướng sơ đồ để có thể biết mình đang ở khu vực/giai đoạn/bước mấy trong sơ đồ để điền được từ chính xác nhất. Bạn hãy yên tâm là trong sơ đồ và đoạn văn chắc chắn sẽ có những từ tóm tắt gợi ý đồng nghĩa với các từ trong bài text để bạn có thể biết được từ mình cần điền là gì. Sau khi điền xong, bạn hãy kiểm tra chắc chắn xem bạn đã điền đúng dạng số ít hay số nhiều của từ chưa và có bị sai chính tả hay ngữ pháp gì không nhé.
Chúc các bạn học tập tốt!!!
Tham khảo thêm bài viết: |
Bình luận