Bạn có bao giờ viết bài mà thấy luận điểm của mình bị "hời hợt", hoặc giám khảo chê thiếu logic chưa? 

Lý do có thể nằm ở việc bạn mắc lỗi ngụy biện (logical fallacies) mà không hề hay biết!

Lỗi sai Writing: Ngụy biện là gì?

Hiểu đơn giản, đó là những sai lầm trong cách lập luận, khiến bài viết của bạn kém thuyết phục và thiếu tính logic. Giám khảo IELTS rất nhạy bén với những lỗi này và sẽ không ngần ngại trừ điểm nếu phát hiện bạn đang đưa ra những luận điểm thiếu căn cứ.

Một số lỗi phổ biến thí sinh hay mắc phải:

- Khái quát hóa quá mức (Overgeneralization)

- Nguyên nhân giả định (False Cause)

- Ngụy biện rơm (Straw Man Argument)

- Dốc trơn trượt (Slippery Slope)

- Ngụy biện hai lựa chọn (Either/Or Fallacy)

Những lỗi này ảnh hưởng thế nào đến bài thi?

- Làm cho luận điểm của bạn bị thiếu cân bằng và thiếu chiều sâu

- Khiến bài viết trở nên phiến diện và kém khách quan

- Giảm điểm ở tiêu chí Task Response và Coherence & Cohesion

Vậy làm sao để tránh ngụy biện và ăn trọn điểm cao?

Bài viết dưới đây sẽ phân tích từng lỗi sai bằng ví dụ thực tế và hướng dẫn cách sửa để bài viết của bạn trở nên logic, thuyết phục và "ăn điểm" giám khảo ngay từ câu đầu tiên nhé. 

Lỗi sai IELTS Writing Task 2: lỗi ngụy biện

Common Logical Fallacies in IELTS Writing

1. Overgeneralization (Khái quát hóa quá mức)

Lỗi này là gì?

Overgeneralization xảy ra khi bạn đưa ra một kết luận bao quát dựa trên quá ít bằng chứng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cho rằng điều đúng trong một trường hợp sẽ đúng trong tất cả các trường hợp khác.

Ví dụ:

“Young people today are addicted to social media, which causes them to lose focus on their studies.”

Phân tích lỗi sai:

Trong câu này, tác giả đưa ra kết luận rằng tất cả người trẻ đều nghiện mạng xã hội và điều đó khiến họ mất tập trung vào việc học. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào để khẳng định rằng điều này áp dụng cho mọi người trẻ tuổi. Có nhiều người sử dụng mạng xã hội mà vẫn cân bằng tốt giữa việc học và các hoạt động khác. Lỗi này làm cho lập luận trở nên thiếu thuyết phục và thiếu khách quan.

Ảnh hưởng đến bài viết:

Khái quát hóa quá mức có thể khiến bài viết của bạn bị đánh giá là thiếu bằng chứng và không phát triển đầy đủ các luận điểm.

Cách khắc phục:

Sử dụng ngôn ngữ mang tính thận trọng hơn để tránh khái quát hóa. Các cụm từ như “It is possible that,” “Some people believe,” và “In certain cases” và các động từ khuyết thiếu may, might, can, could,… giúp tránh khái quát hóa.

Phiên bản cải thiện:

“Some young people may become overly reliant on social media, which can negatively affect their academic performance.”

2. False Cause (Nguyên nhân giả định)

Lỗi này là gì?

Lỗi này xảy ra khi bạn cho rằng một sự kiện xảy ra sau sự kiện khác thì sự kiện đầu tiên chắc chắn là nguyên nhân gây ra sự kiện thứ hai.

Ví dụ:

“The rise in unemployment is due to the increasing use of automation in industries.”

Phân tích lỗi sai:

Trong câu này, tác giả cho rằng việc thất nghiệp gia tăng hoàn toàn do tự động hóa. Tuy nhiên, đây là một giả định đơn giản hóa vấn đề. Thất nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như suy thoái kinh tế, chính sách của chính phủ hoặc thay đổi trong thị trường lao động. Việc đưa ra một nguyên nhân duy nhất là không đủ thuyết phục.

Ảnh hưởng đến bài viết:

Lỗi này làm cho bài viết của bạn trở nên phiến diện và không phản ánh đúng thực tế phức tạp của vấn đề.

Cách khắc phục:

- Xem xét nhiều nguyên nhân khác nhau: Thay vì tập trung vào một nguyên nhân duy nhất, hãy thừa nhận rằng một sự kiện có thể do nhiều yếu tố tác động.

- Sử dụng ngôn ngữ có điều kiện: Các cụm từ như “may be influenced by” hoặc “could be a result of” giúp bạn tránh kết luận phiến diện.

Phiên bản cải thiện:

“The rise in unemployment may be influenced by several factors, including the increasing use of automation and changes in economic conditions.”

3. Straw Man Argument (Ngụy biện rơm)

Lỗi này là gì?

Ngụy biện rơm là khi bạn xuyên tạc quan điểm của người khác để dễ dàng phản bác.

Ví dụ:

“Some people believe that banning cars from city centers will solve all environmental problems.”

Phân tích lỗi sai:

Trong câu này, tác giả bóp méo quan điểm của người khác bằng cách tuyên bố rằng họ tin việc cấm xe hơi sẽ giải quyết mọi vấn đề môi trường. Tuy nhiên, hầu hết những người ủng hộ việc hạn chế xe hơi trong trung tâm thành phố không bao giờ đưa ra tuyên bố tuyệt đối như vậy. Điều này khiến lập luận trở nên thiếu trung thực và không công bằng.

Ảnh hưởng đến bài viết:

Lỗi ngụy biện này làm cho bài viết của bạn bị coi là thiên vị và thiếu tính khách quan.

Cách khắc phục:

- Trình bày quan điểm đối lập một cách chính xác: Thay vì bóp méo ý kiến của người khác, hãy mô tả quan điểm đó một cách trung thực.

- Đưa ra phản biện hợp lý: Thay vì công kích quan điểm bị bóp méo, hãy tập trung vào việc phân tích những điểm yếu thực sự của quan điểm đối lập.

Phiên bản cải thiện:

“Some people believe that reducing car usage in city centers can significantly reduce air pollution. While this may help, other measures are also necessary to address environmental issues.”

4. Slippery Slope (Dốc trơn trượt)

Lỗi này là gì?

Slippery Slope là lỗi khi bạn cho rằng một sự kiện nhỏ sẽ dẫn đến chuỗi các sự kiện tiêu cực mà không có bằng chứng.

Ví dụ:

“If the government increases taxes, businesses will fail, and the entire economy will collapse.”

Phân tích lỗi sai:

Trong câu này, tác giả cho rằng việc tăng thuế sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế. Đây là một phỏng đoán mang tính cực đoan và thiếu cơ sở. Thực tế, tác động của việc tăng thuế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách chính phủ sử dụng nguồn thu từ thuế và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Ảnh hưởng đến bài viết:

Lỗi này làm cho bài viết của bạn trở nên phi lý và kém thuyết phục vì nó dựa trên giả định không có căn cứ.

Cách khắc phục:

- Đưa ra các kịch bản cân bằng hơn: Thay vì tập trung vào kết quả tiêu cực nhất, hãy xem xét các kết quả khả dĩ khác.

- Sử dụng bằng chứng cụ thể để hỗ trợ lập luận: Đưa ra các dữ liệu hoặc ví dụ thực tế để chứng minh quan điểm của bạn.

Phiên bản cải thiện:

“If the government increases taxes, it could pose challenges for businesses, but careful implementation and support measures can help mitigate these effects.”

5. Either/Or Fallacy (Ngụy biện hai lựa chọn)

Lỗi này là gì?

Lỗi này xảy ra khi bạn trình bày một tình huống như chỉ có hai kết quả khả dĩ, bỏ qua các giải pháp khác.

Ví dụ:

“Either we ban fast food, or obesity rates will continue to rise.”

Phân tích lỗi sai:

Câu này cho rằng chỉ có hai lựa chọn: cấm thức ăn nhanh hoặc chấp nhận tỉ lệ béo phì gia tăng. Tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp khác để giải quyết vấn đề béo phì, chẳng hạn như giáo dục dinh dưỡng, khuyến khích vận động và kiểm soát quảng cáo thức ăn nhanh.

Ảnh hưởng đến bài viết:

Lỗi ngụy biện này khiến bài viết của bạn thiếu chiều sâu và bỏ qua các giải pháp thực tế khác.

Cách khắc phục:

- Thừa nhận sự đa dạng của các giải pháp: Trình bày nhiều phương án khác nhau để giải quyết vấn đề.

- Sử dụng ngôn ngữ đa dạng: Các cụm từ như “a combination of measures” hoặc “multiple strategies” giúp bạn tránh ngụy biện này.

Phiên bản cải thiện:

“Reducing obesity rates requires a combination of measures, including promoting healthy eating habits, regulating fast food advertising, and encouraging physical activity.”

Trên đây là phân tích về 5 lỗi sai thuộc về Ngụy biện trong lập luận IELTS Writing Task 2, các bạn nhớ chú ý để tránh mắc phải nhé.

Bạn chú ý thêm: 10 lỗi sai trong Writing Task 2

Bài viết phân tích bởi đội ngũ học thuật IELTS Fighter, vui lòng ghi nguồn nếu chia sẻ nha.